Quy chế hoạt động Câu lạc bộ Kết nối thành công

TRƯỜNG ĐH NÔNG LÂM TP.HCM               CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TRUNG TÂM HTSV & QHDN                              Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                                 _________________

          Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 6 năm 2018

QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ ĐIỀU LỆ HOẠT ĐỘNG 

CÂU LẠC BỘ KẾT NỐI THÀNH CÔNG

CHƯƠNG I

TÊN GỌI, CHỨC NĂNG, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CLB

Điều 1: Tên gọi

1. Tên gọi: Câu lạc bộ Kết Nối Thành Công.

2. Tên viết tắt: CLB KNTC.

3. Logo:

4. Câu lạc bộ Kết Nối Thành Công (dưới đây gọi tắt là CLB) là tổ chức sinh viên trực thuộc và chịu sự quản lý của Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp – Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.

5. CLB có logo, biểu trưng và thẻ thành viên riêng; việc cấp phát sử dụng, quản lý thẻ thành viên theo quy định của CLB và của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.

Điều 2: Lĩnh vực và phạm vi hoạt động

CLB là nơi sinh hoạt học thuật của sinh viên ở tất cả các ngành học thuộc Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.

Điều 3: Chức năng của CLB

1. Là cầu nối giữa sinh viên với các doanh nghiệp, doanh nhân giúp sinh viên tiếp cận thực tiễn.

2. Trang bị và phát triển những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho sinh viên để làm việc trong môi trường doanh nghiệp.

3. Tạo môi trường hoạt động năng động, chuyên nghiệp, phát huy năng lực của từng sinh viên.

Điều 4: Quyền hạn của CLB

1. Tuyên truyền mục đích của CLB.

2. Đại diện cho thành viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của CLB.

3. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của CLB và thành viên.

4. Tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các thành viên vì lợi ích chung của CLB; hoà giải tranh chấp trong nội bộ.

5. Phổ biến, huấn luyện kiến thức cho thành viên; cung cấp thông tin cần thiết cho thành viên theo quy định của pháp luật.

6. Tư vấn, phản biện các vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của CLB theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân.

7. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển và lĩnh vực CLB hoạt động.

8. Phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ của CLB.

9. Được gây quỹ CLB trên cơ sở phí của thành viên và các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để trang trải kinh phí hoạt động.

10. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Điều 5: Nghĩa vụ của CLB

1. Hoạt động của CLB phải theo đúng Quy chế và Điều lệ đã được phê duyệt.

2. Khi thay đổi các thành viên trong Ban chủ nhiệm, sửa đổi bổ sung Điều lệ, CLB phải báo cáo lên Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp.

3. Hàng năm CLB phải báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của CLB với Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp.

4. Chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp.

5. Danh sách thành viên, các đơn vị trực thuộc CLB, các chứng từ về tài chính của CLB, biên bản quan trọng của CLB được lập thành hồ sơ và lưu giữ.

6. Việc sử dụng kinh phí của CLB phải tuân thủ quy định của pháp luật. Mỗi quý, CLB phải gửi báo cáo tài chính lên Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp.

CHƯƠNG II

NGUYÊN TẮC VÀ TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH CỦA CLB

Điều 6: Nguyên tắc hoạt động

CLB hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng.

Điều 7: Thi tuyển Ban chủ nhiệm và thời gian sinh hoạt định kỳ

1. Nhiệm kỳ hoạt động của Ban chủ nhiệm là 01 năm.

2. CLB sẽ tổ chức thi tuyển Ban chủ nhiệm 01 năm một lần để tìm ra cơ cấu Ban chủ nhiệm mới và đề ra phương hướng hoạt động.

3. Khi cần thiết, Ban chủ nhiệm có thể triệu tập cuộc họp CLB khẩn cấp.

4. Thời gian sinh hoạt định kỳ của CLB có thể thay đổi linh hoạt theo từng nhiệm kỳ.

Điều 8: Ban chủ nhiệm CLB

1. Ban chủ nhiệm là cơ quan lãnh đạo cao nhất của CLB, số lượng thay đổi linh hoạt theo từng nhiệm kỳ, gồm: 01 Chủ nhiệm, các Phó chủ nhiệm, người Quản lý các Ban trong CLB.

2. Trong trường hợp các thành viên trong Ban chủ nhiệm vì lý do nào đó ngưng công việc giữa nhiệm kỳ, Chủ nhiệm lấy ý kiến của thành viên CLB và có quyền bổ sung hoặc không bổ sung nhân sự.

Điều 8: Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban chủ nhiệm

1. Quyết định chương trình; kế hoạch hoạt động; quản lý ngân sách CLB.

2. Chịu trách nhiệm về toàn bộ các hoạt động của CLB.

3. Thông tin, hướng dẫn các thành viên hoạt động theo phương hướng đã được thông qua của CLB.

4. Tùy theo quy mô và nhu cầu hoạt động của CLB, Ban chủ nhiệm có quyền mời thêm nhân sự, các cộng tác viên cho hoạt động của CLB.

5. Quyết định khen thưởng hoặc kỷ luật đối với các thành viên CLB.

6. Báo cáo thường kỳ (3 tháng 1 lần) lên Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp về tình hình hoạt động và tài chính của CLB.

a) Chủ nhiệm CLB:

– Là người đại diện CLB trong các quan hệ đối nội – đối ngoại với các thành viên và với các tổ chức khác bên ngoài CLB; thực hiện các công tác quản lí toàn diện; phát triển CLB theo định hướng và nhiệm vụ mà tổ chức cấp trên đã giao;

– Chuẩn bị nội dung và điều hành hoặc ủy quyền điều hành các kỳ họp của CLB;

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của CLB theo quy định của Nhà nước ban hành;

– Có quyền ra quyết định khen thưởng hoặc miễn nhiệm đối với thành viên trong Ban chủ nhiệm;

– Ký các văn bản có liên quan đến hoạt động của CLB.

b) Các Phó Chủ nhiệm và người Quản lý các Ban trong CLB:

– Là người chịu trách nhiệm của mảng mình phụ trách có nhiệm vụ phải báo cáo cho Chủ nhiệm về công việc của mình;

– Thực hiện các công việc quản lí và duy trì hoạt động của CLB theo sự phân công của Chủ nhiệm, đảm bảo điều hành hoạt động trong quyền hạn của mình;

– Chịu trách nhiệm về nhiệm vụ và công việc được giao của mình với Chủ nhiệm;

– Thay mặt Chủ nhiệm giải quyết các vấn đề mang tính cấp bách của CLB khi Chủ nhiệm vắng mặt.

CHƯƠNG III

THÀNH VIÊN

Điều 10: Đối tượng tham gia

1. Là sinh viên hệ đại học chính quy, đang theo học tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.

2. Đáp ứng được những yêu cầu về chuyên môn trong các nội dung hoạt động CLB.

3. Không vi phạm Quy chế học sinh sinh viên, Quy định của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.

4. Tán thành Quy chế và Điều lệ của CLB; có ý thức nhiệt tình xây dựng, có tinh thần trách nhiệm đóng góp cho CLB.

Điều 11: Các hình thức thành viên

1. Thành viên chính thức: là những cá nhân có đầy đủ tiêu chuẩn được quy định tại Điều 9.

2. Thành viên tự do: là những cá nhân có nguyện vọng trở thành viên của CLB nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực chuyên môn.

Điều 12: Thể thức kết nạp

1. Sinh viên muốn tham gia vào CLB phải tham gia kì thi tuyển theo quy định của Ban chủ nhiệm.

2. Hình thức và các thủ tục kết nạp do Ban chủ nhiệm CLB quy định.

3. Thành viên tự do sau một năm tham gia tích cực và có những cống hiến nhất định cho CLB trong quá trình hoạt động sẽ được xét duyệt trở thành thành viên chính thức; tiêu chuẩn xét duyệt do Ban chủ nhiệm CLB quy định.

Điều 13: Ra khỏi CLB, miễn sinh hoạt, khai trừ thành viên

1. Thành viên xin ra khỏi CLB, miễn sinh hoạt phải có đơn gửi Ban chủ nhiệm CLB.

2. Thể thức xin ra khỏi CLB, khai trừ thành viên do Ban chủ nhiệm CLB quy định.

Điều 14: Nhiệm vụ của thành viên

1. Chấp hành Quy chế học sinh sinh viên, Quy định của Nhà trường và Điều lệ của CLB.

2. Tham gia đầy đủ các hoạt động và các buổi sinh hoạt của CLB; hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động.

3. Có tinh thần đoàn kết với các thành viên khác của CLB, hoàn thành tốt nhiệm vụ Ban chủ nhiệm phân công.

4. Góp phần quảng bá, vận động xây dựng CLB phát triển vững mạnh.

5. Giữ gìn và nâng cao uy tín hoạt động của CLB.

6. Rèn luyện đạo đức tác phong chuyên nghiệp; tuyên truyền vận động các thành viên khác tham gia sinh hoạt CLB; luôn quan tâm đến tập thể; đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân; không ngừng học tập và rèn luyện bản thân.

Điều 15: Quyền hạn của thành viên

1. Được cấp thẻ thành viên.

2. Được tham gia các hoạt động chính thức của CLB.

3. Được đề cử, ứng cử và bầu cử vào vị trí Ban chủ nhiệm của CLB.

4. Đóng góp ý kiến chất vấn với Ban chủ nhiệm CLB.

5. Được hưởng các quyền lợi tinh thần và vật chất do hoạt động CLB mang lại.

6. Được tập thể bảo vệ quyền lợi uy tín của mình nếu bị các thành viên, tổ chức cá nhân

khác xâm phạm.

7. Được xin ra khỏi CLB.

CHƯƠNG IV

TÀI CHÍNH

VÀ PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA CÂU LẠC BỘ

Điều 16: Tài chính CLB

1. Được hỗ trợ một phần kinh phí từ Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp.

2. Được trang trải một phần từ các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân; các hoạt động mang lại kinh phí của CLB.

Điều 17: Phương thức quản lý tài chính CLB

1. Kinh phí CLB thu được theo quy định tại Điều 16 phải được sử dụng đúng mục đích hoạt động CLB.

2. Các khoản chi bao gồm chi phí cho các hoạt động của CLB phải minh bạch, rõ ràng và theo đúng kế hoạch đã được Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp phê duyệt.

CHƯƠNG V

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 18: Khen thưởng

1. Những thành viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động tập thể; đóng góp tích cực cho sự phát triển của CLB; làm tăng uy tín của CLB.

2. Hình thức khen thưởng theo quy định của Ban chủ nhiệm.

Điều 19: Kỷ luật

1. Những thành viên vi phạm quy chế, tùy theo mức độ sẽ bị kỷ luật từ khiển trách đến khai trừ khỏi CLB.

2. Có 3 mức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo và khai trừ.

a) Khiển trách: Không hoàn thành nhiệm vụ được giao; làm bê trễ, kém chất lượng các hoạt động của CLB.

b) Cảnh cáo: Những thành viên đã bị khiển trách mà không thấy có dấu hiệu sửa chữa trong quá trình hoạt động; những thành viên có hoạt động làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của CLB không do CLB gây ra.

c) Khai trừ:

– Áp dụng cho các thành viên cố tình gây mất đoàn kết trong tập thể; các thành viên lợi dụng tập thể mưu cầu lợi ích cá nhân;

– Các thành viên thiếu hẳn sự nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc, nhắc nhở và khiển trách nhưng không có dấu hiệu tiến bộ;

– Những thành viên có thái độ, hành động chống đối Ban chủ nhiệm; có các hoạt động làm ảnh hưởng trầm trọng đến hình ảnh, uy tín của Ban chủ nhiệm, của CLB;

– Các thành viên sau một thời gian dài mà không tham gia vào bất kỳ một hoạt động nào của CLB, tùy theo mức độ mà Ban chủ nhiệm có quyền khai trừ khỏi CLB.

CHƯƠNG VI

ĐIỀU KIỆN GIẢI THỂ

Điều 20: Giải thể

1. CLB ngừng hoạt động trong các trường hợp:

– Các hoạt động của CLB không cần thiết đối với sinh viên nữa;

– Chuyển thể thành 1 tổ chức mới.

2. Việc ngừng hoạt động của CLB phải được thực hiện bằng nghị quyết của CLB, phải báo cáo lên Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp và được phê chuẩn.

CHƯƠNG VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21: Hiệu lực thi hành và sửa đổi

1. Quy chế và Điều lệ này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2018 và đã được Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp phê duyệt.

2. Quy chế tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ Kết Nối Thành Công ngày 09 tháng 01 năm 2013 hết hiệu lực khi Quy chế và Điều lệ này có hiệu lực.

3. Mọi sửa đổi, bổ sung phải được Chủ nhiệm CLB và Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp phê chuẩn mới có hiệu lực.

TRUNG TÂM HTSV & QHDN                                                  TM. BAN CHỦ NHIỆM

              Giám đốc                                                                         Chủ nhiệm

              (đã ký)                                                                               (đã ký)